GIÁC NGỘ

Khởi đầu là phép rửa, mà thời Giáo Hội nguyên thuỷ cũng gọi là sự giác ngộ. Đó là một nghi thức đầy tôn kính và trịnh trọng, ghi dấu cuộc đời bằng những bài đọc quan trọng. Trong phụng vụ phép rửa, khi trao thánh giá, người trao phép nói: “Tôi chúc lành cho anh / chị bằng dấu thánh giá, để anh /chị nhận ra rằng  Đức Giê-su yêu qúy anh /chị. – Tôi làm dấu thánh giá trên mắt anh /chị, để anh / chị thấy việc Ngài làm. – Tôi làm dấu thánh giá lên tai anh /chị, để anh / chị nghe được lời Ngài nói. – Tôi làm dấu thánh giá lên miệng anh / chị, để anh /chị đáp trả lại tiếng gọi của Ngài. – Tôi làm dấu thánh giá trên tay anh /chị, để anh / chị hành động như  Đức Giê-su“. Công thức trên là một biểu tượng. Nó muốn nói gì?

Biểu tượng dịch nghĩa là “trùng hợp với nhau”. Thoạt tiên, biểu tượng là một cách tự giới thiệu. Nó gồm sự kiện như sau: Có hai người, mỗi vị chia nhau một phần – cái triện đóng dấu chẳng hạn - , và hai vị đó đã nhận ra nhau, sau khi so hai phần triện đó có sự phù hợp với nhau. Về sau, biểu tượng mang nghĩa rộng hơn, nó dùng những hình ảnh giác quan để diễn tả một cái gì đó không thể thấy được.

Có nhiều biểu tượng kết tinh trong phép rửa. Người ta đã đưa vào đó những bước căn bản của quá trình dạy và học giáo lýnhập đạo thời xưa. Điều đó cũng ám chỉ rằng, phép rửa đòi hỏi một quá trình giáo lí, nghĩa là đòi hỏi một cộng đoàn cùng học và sống với nhau. Những bước của quá trình đó được tóm lại trong phép rửa. Mở mắt, mở miệng, mở tai. Đó là câu “Ephata“ mà  Đức Giê-su đã công khai nói với người câm điếc, và rồi miệng và tai người đó đã mở ra và anh ta nói được, nghe được.Cũng vậy,nhờ phép rửa và nhờ cộng đoàn đồng hành, mà người tân tòng được đưa vào gia nhập trong đó, chúng ta hết câm để trả lời Chúa,hết điếc để nghe được tiếng Ngài. Nếu không nghe được Chúa, ta cũng không thể nói được lời đúng đắn,không thể cầu nguyện được với Ngài.Mở tai và mắt trong phép rửa cũng là để biết tập lắng nghe và tập ăn nói trong cộng đoàn sống đức tin, là để ta nhìn thấy được thiên tính trong tạo vật và thiên tính đó nối ta vào với Chúa qua dấu thánh giá.

Trong Giáo Hội cổ, phép rửa là một phần thưởng to tát. Ngoài việc phải qua thời gian học giáo lí, người dự tòng còn phải có hai người lớn làm chứng. Ngài chống lại việc rửa tội trẻ em?

Phép rửa còn có mục đích giúp cho đời người có một ý nghĩa vượt lên trên đời sống sinh vật, để họ hiểu rằng cuộc sống này đáng sống. Nhất là giữa thời buổi với tương lai đen tối như hiện nay, ta có thể đặt câu hỏi, là liệu còn có chút đạo đức nào không, khi sinh một đứa trẻ ra đời và như vậy là vứt nó vào một tương lai vô định, muốn sống cho ra người cũng khó? Và quả thật, khi người ta chẳng còn biết có nên làm người nữa không, thì phép rửa chỉ đáng nên làm, nếu như ta hiểu rằng, làm thế là ta trao cho con người mới đó một cái gì hơn thể xác nó, ta trao cho nó một ý nghĩa mà ta biết còn mạnh hơn mọi tăm tối của lịch sử. Chính phép rửa đưa con người đó vào chung cộng đoàn với Đức Ki-tô.

Như thế thì phép rửa trẻ em rõ ràng nên làm. Nhưng phải xét lại, nếu như không có thời gian học giáo lýđi trước, đây là chuyện thường xẩy ra trong xã hội mất hết tính Ki-tô giáo hiện nay. Nếu chỉ coi phép rửa như một nghi thức phải có, như một dịp lễ hội mà thôi, thì phải đặt lại vấn đề. Nhiều người ngày nay coi phép rửa là việc xã hội hoá trong một giáo xứ. Không, nó còn hơn điều đó nhiều; đó là một cuộc tái sinh mở ra những chiều kích sống mới.

Khoản 849 giáo luật viết: “Việc lãnh nhận phép rửa thật sự, hay ít ra ước ao nhận lãnh nó, cần thiết cho sự cứu rỗi”. Nếu vậy, chết trước khi nhận phép rửa thì sao? Và số phận nào dành cho hàng triệu thai nhi bị giết trong bụng mẹ?

Câu hỏi, phép rửa có cần cho việc cứu rỗi không, càng ngày càng trở nên nóng bỏng trong thời hiện đại. Công đồng Vatican II dạy, những ai trên đường tìm Chúa và mở lòng ra cho cái mà ta gọi là phép rửa, thì cũng được cứu rỗi. Điều đó có nghĩa là việc đi tìm Chúa cũng là một tham dự tinh thần với phép rửa, với Giáo Hội, với Đức Ki-tô rồi.

Như vậy, câu hỏi trên ngày nay xem ra đã được trả lời. Nhưng câu hỏi về các trẻ chưa lãnh phép rửa vì đã bị giết trong bụng mẹ, càng khiến chúng tôi nóng ruột hơn.

Xưa kia người ta luận rằng, phép rửa ban cho ta ơn nên thánh, nhờ đó ta có thể chiêm ngưỡng Chúa. Việc chưa nhận phép rửa, nghĩa là đang ở trong tình trạng mang tội tổ tông, làm ta không có được ơn nên thánh đó. Các trẻ chết sớm như thế thì không mang tội cá nhân nào, nên không phải sa hoả ngục, nhưng mặt khác vì không có ơn nên thánh, nên không được diễm phúc hưởng nhan thánh Chúa. Các em chỉ được ở trong tình trạng hạnh phúc tự nhiên mà thôi, tình trạng đó ta gọi là lâm-bô (Limbus). Đối với tôi, giáo lýđó thiếu rõ ràng.

Vấn đề trên càng trở nên phức tạp hơn trong thế kỷ20. Giáo lýkia là một hình thức để biện minh cho việc phải rửa tội trẻ em thật sớm, nhưng lối giải quyết của nó không vững. Rốt cuộc, với thông điệp Tin-mừng Sự-sống (Evangelium Vitae) Giáo chủ đã quyết định thay đổi. Í định này đã được đề cập trước đó trong sách Giáo-lí Công giáo, khi sách viết rằng, Chúa có đủ quyền năng để kéo vào Ngài cả những ai không thể nhận phép rửa.